Vi khuẩn Escherichia coli biến đổi gene có thể tạo ra một dạng diesel sinh học từ nhiên liệu thực vật. Chúng giúp con người cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide, đồng thời làm giảm chi phí sản xuất nhiên liệu. các nhà khoa học khẳng định như vậy. |
Loại năng lượng này có thể giúp con người giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vì những vi khuẩn tạo ra nó hấp thụ khí carbon dioxide, nhờ đó giảm được lượng khí này trong không khí. Tuy nhiên, để vi khuẩn biến đổi gene trở nên có ích, con người cần có một số lượng cực lớn cây nhiên liệu, tức là phải bỏ ra nhiều đất đai, đồng thời sử dụng nhiều hóa chất độc hại để xử lý chúng.
"Diesel sinh học là nguồn năng lượng thay thế tốt cho nhiên liệu diesel lấy ra từ dầu mỏ", Alexander Steinbüchel, người tạo ra dạng diesel sinh học mới cùng với các cộng sự tại Đại học Munster (Đức), phát biểu. "Tuy nhiên, biện pháp sản xuất diesel sinh học hiện nay vẫn khá tốn kém".
Nhóm của Steinbüchel đã thành công trong việc biến đổi gene của một chủng vi khuẩn khá phổ biến có tên Escherichia coli để biến chúng trở thành vi khuẩn có khả năng tạo ra diesel sinh học. Vi khuẩn E.coli biến đổi gene được nuôi trong hỗn hợp gồm đường glucose và dầu ô-liu, Chúng đã biến hỗn hợp này thành một loại acid béo có tên "microdiesel" - một dạng của diesel thực vật và có khả năng thay thế diesel có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Nhóm chuyên gia Đức tiếp tục lấy hai gene từ vi khuẩn Zymomonas mobilis và đưa vào vi khuẩn E.coli để chúng có khả năng biến đường thành rượu. Một gene thứ ba, được lấy từ vi khuẩn Acinetobacter baylyi, cho phép E.coli tạo ra microdiesel từ rượu và dầu thực vật.
Không giống như nhiều nhiên liệu sinh học khác, microdiesel được sản xuất ra mà không cần có sự tham gia của các hóa chất độc hại với vai trò xúc tác. Steinbüchel khẳng định rằng những thử nghiệm trong tương lai có thể cho phép các nhà khoa học tạo ra microdiesel từ các bộ phận khác của cây, thay vì chỉ sử dụng dầu thực vật như hiện nay. Do các phần khác của cây thường bị vứt đi sau khi quá trình ép dầu diễn ra, nên điều này sẽ giảm nhu cầu trồng cây để sản xuất diesel sinh học.
"Do chi phí cho việc trồng cây nhiên liệu lấy dầu rất thấp, hơn nữa chúng lại rất sẵn trong tự nhiên nên trong tương lai, diesel sinh học có thể được sản xuất ra với chi phí thấp hơn nhiều so với diesel lấy từ dầu mỏ", Steinbüchel nhận định.
Diesel sinh học cũng có thể làm thay đổi nhu cầu đối với đất nông nghiệp, Trevor Price, một chuyên gia môi trường tại Đại học Glamorgan (xứ Wales, Anh), nhận định. Diesel sinh học có thể giải quyết được bài toán hiệu ứng nhà kính và sự cạn kiệt của nhiên liệu hóa thạch, nhưng dẫu sao nó vẫn cần rất nhiều đất. Các cánh rừng nhiệt đới có thể bị đốt để trồng cọ, đậu tương và những cây lấy dầu khác. Nhiều quốc gia sẽ phải lựa chọn giữa nhiên liệu và thực phẩm".
Tuy nhiên, Price cho rằng tăng cường sản xuất diesel sinh học sẽ không phải là giải pháp khả thi trong nỗ lực giảm mức độ ô nhiễm môi trường.
"Thay vì tìm cách thỏa mãn nhu cầu nhiên liệu bằng các phương pháp sạch sẽ hơn, việc đầu tiên chúng ta nên làm là cố gắng giảm lượng nhiên liệu sử dụng bằng cách tiết kiệm và sử dụng chúng một cách hiệu quả", ông bình luận.
Việt Linh (theo Newscientist)